Monday, November 4, 2013

Những điều chưa biết về mèo (p5)

Mèo phát sáng có thể chống lại HIV/AIDS
Ba con mèo biến đổi gene với cơ thể phát sáng trong bóng tối có thể ngăn ngừa vi rút suy giảm miễn dịch ở mèo (FIV) đang mở ra con đường mới cho nghiên cứu chống lại căn bệnh thế kỷ - HIV/AIDS.

Phát hiện này cũng giúp các bác sĩ thú y tìm ra phương pháp chống lại loại virus giết chết hàng triệu con mèo hoang dã mỗi năm và có thể lây nhiễm sang các loài khác thuộc họ mèo, bao gồm cả sư tử.

Ba con mèo 1 tuổi được đặt tên là TgCat1, TgCat2 và TgCat3, gọi nôm na là những con mèo GM, có cơ thể phát sáng màu xanh lá cây dưới ánh sáng tia cực tím đầy vẻ ma quái vì các nhà khoa học đã đưa loại gen protein huỳnh quang màu xanh lá cây (GFP) có nguồn gốc từ con sứa vào cơ thể chúng. Mèo GM cũng mang thêm một loại gen khỉ, gọi làTRIMCyp, bảo vệ khỉ nâu đuôi ngắn không bị nhiễm trùng bởi virus FIV.

Nhóm nghiên cứu hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp bảo vệ động vật nói chung khỏi FIV. Qua đó, các nhà khoa học có thể phát triển và thử nghiệm các cách tiếp cận tương tự trên con người khỏi bị nhiễm trùng bởi virus HIV. Hiện tại, họ cũng chứng minh được rằng việc nuôi cấy các tế bào máu trắng trong phòng thí nghiệm từ những con mèo sẽ giúp con vật miễn dịch với FIV.


Những con mèo với cơ thể phát sáng màu xanh lá cây. (Ảnh: Newscientist)

“Các loài động vật có gen bảo vệ trong tất cả các mô bao gồm các hạch bạch huyết, tuyến ức và lá lách”, Eric Poeschla đến từ trường Đại học Y khoa Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, người đứng đầu nghiên cứu cho biết. “Điều này rất quan trọng bởi vì đó là nơi mà căn bệnh thực sự xảy ra, và là nơi bạn có thể nhìn thấy virus HIV phá hủy tế bào T ở người”.

Đây không phải là những con mèo GM đầu tiên, nhưng phương pháp mới được áp dụng lại hiệu quả và linh hoạt hơn các kỹ thuật trước. Kỹ thuật của Poeschla trực tiếp, hiệu quả và đơn giản hơn nhiều. Nó đã được áp dụng thành công trong việc tạo ra những con khỉ GM, bò GM, lợn GM và chuột GM. Poeschla cấy loại gen nghiên cứu vào một virus mãn tính rồi đưa trực tiếp vào một noãn bào hoặc tế bào trứng của mèo. Noãn bào kết hợp với các gen mới sau đó đã thụ tinh và được đặt trong tử cung của con mẹ.

Poeschla cấy được 12 bào thai trong năm trường hợp mang thai, và ba mèo con đẻ ra còn sống. Ngoài 12 bào thai đó, có 11 trường hợp kết hợp gen mới thành công đã cho thấy hiệu quả của phương pháp này.

TgCat1, con mèo đực còn sống, đã giao phối với ba mèo cái bình thường và sinh ra tám mèo con khỏe mạnh. Tất cả đều mang các gen như vậy vì chúng được thừa hưởng từ di truyền.

Mèo sủa giống chó
Đoạn video ghi lại cảnh một con mèo sủa giống chó. Nhưng khi chủ nhân của nó đưa chiếc camera lại gần, nó ngay lập tức chuyển sang kêu meo meo như bình thường.

Livescience trích lời giáo sư Nicholas Dodman, nhà nghiên cứu hành vi động vật thuộc trường đại học Tufts tại Mỹ: "Đây không phải là điều bất thường, nhưng từ trước đến nay chưa thấy con mèo nào lại sủa giống như chó".

"Các thanh quản, khí quản và cơ hoành của mèo tương tự với chó nên con mèo có thể phát ra tiếng kêu như loài chó", giáo sư Dodman giải thích. Ông cho biết, có thể con mèo đã bắt chước tiếng sủa từ con chó nào đó sống gần đó.

Nhưng tại sao khi chủ đến gần, con mèo lại ngừng sủa? “Chắc chắn không phải nó xấu hổ. Đó là cách suy nghĩ quá phức tạp đối với một con mèo”, Nicholas Dodman nói.

"Việc ngừng sủa và kêu meo meo của mèo có vẻ như là sự tình cờ khi người chủ lại gần, nhưng cũng có thể khi con mèo quay đầu, hành vi cúi đầu đã làm giảm năng lượng kéo ra, khiến tiếng kêu trở lại bình thường", giáo sư Nicholas Dodman cho biết thêm.



Loài mèo liếm nước 4 lần trong một giây đồng hồ

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra cơ chế mèo uống nước cho thấy nó hoàn toàn không giống với cách mà nhiều người thường thấy là liếm mặt nước thay vì đớp nước.

Động tác uống nước của mèo khá nhanh và thành thục mà mắt thường con người không thể nhìn thấy được.


Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Tờ New York Times cho biết các nhà khoa học đã lắp đặt một máy quay tốc độ cao và phương trình tính toán khoa học để khám phá cách những chú mèo uống nước ra sao mà không làm ướt cằm.

Khác với động vật, con người có thể nhúm miệng lại uống nước sao cho cằm không bị ướt. Đó là thành quả lớn mà con người có được trong nấc thang tiến hóa. Tuy nhiên, nhiều loài động vật khác trong đó có những động vật ăn thịt phải viện tới một chiến thuật uống nước tinh vi hơn rất nhiều để khắc phục sự “thấp kém” về tiến hóa.

Đối với những chú chó, uống nước là một công việc nặng nhọc. Thông thường, chó sẽ sục lưỡi vào trong bát nước tạo nên những xung động mạnh để đẩy dòng chất lỏng vào trong khoang miệng song lại làm nước chuyển động bất quy tắc và bắn lên tung tóe. Trong khi đó, những chú mèo lại tỏ ra khôn ngoan và chuẩn xác hơn nhiều.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Học viện Bách khoa Virginia và Princeton đã quyết định đi sâu nghiên cứu cơ chế uống nước của mèo và đã khám phá ra những bí mật thú vị về các chú “tiểu hổ” tinh ranh này.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng về bản năng, loài mèo tính toán khá chuẩn xác về sự cân bằng giữa hai đối lực là lực hấp dẫn và lực quán tính.

Trong đoạn băng quay chậm chú mèo vươn lưỡi ra thành một đường vòng xuống dưới tiệm cận với mặt nước rồi khẽ khàng chạm nhẹ bề mặt nước. Tiếp đó, lưỡi nhanh chóng lượn vòng lên với tốc độ cao và kéo theo một lượng lớn nước ở bên dưới đi theo đà quán tính. Chỉ trong tích tắc, trọng lực sẽ khắc phục được những xung động của nước và kéo lượng lớn nước này quay trở lại. Ngay lúc đó, bộ hàm của mèo sẽ đớp lấy tia nước và nuốt.

Phát hiện thú vị của nghiên cứu này là mèo có tốc độ liếm nước 4 lần trong vòng một giây - một tốc quá nhanh để có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Saturday, November 2, 2013

Những điều chưa biết về mèo (p4)

Đã giải thích được hiện tượng mèo có hai mặt
Có một trang Facebook riêng, một đoạn video được đăng tải trên Youtube thu hút hơn 1 triệu lượt người xem và xuất hiện trong chương trình Today Show hồi tuần trước, mèo Venus 3 tuổi hiện đang là “cô” mèo nổi tiếng nhất trên hành tinh.

Sở dĩ Venus thu hút được sự chú ý của nhiều người như vậy là do khuôn mặt vô cùng đặc biệt của nó: một nửa có lông màu đen và mắt màu xanh lá cây, nửa kia màu vàng với mắt màu xanh da trời.

Giáo sư Leslie Lyons, người chuyên nghiên cứu về mặt di truyền học ở loài mèo nhà tại Đại học California, Davis, cho biết cô chưa bao giờ nhìn thấy một con mèo có khuôn mặt chia làm 2 nửa với độ chính xác cao như Venus. “Đây là trường hợp cực kỳ hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể giải thích được”, Lyons nói.

Venus còn mang cái tên gọi khác là “Chimera”. Trong thần thoại Hy Lạp, Chimera là con quái vật được tạo nên từ tập hợp các bộ phận của nhiều loài động vật khác nhau. Tương tự, thuật ngữ “Chimera” ở đây ám chỉ một con mèo có các tế bào chứa hai loại ADN hình thành khi hai phôi nối lại với nhau.


Mèo Venus và khuôn mặt với hai màu sắc hoàn toàn khác nhau. (Ảnh: Today Show/NBC)

Theo Lyons, trên thực tế, hiện tượng này không phải ít, hầu hết những con mèo lông đen đốm vàng đều như vậy. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng có thêm một nhiễm sắc thể X. Nhưng với Venus, cơ thể nó đã mang sẵn hai nhiễm sắc thể X vì thế mà quá trình đột biến vẫn xảy ra cho dù không thêm nhiễm sắc thể X nào.

Giải thích cho khuôn mặt kỳ lạ của Venus, Lyons nhận định: “Hoàn toàn là do may mắn”, đồng thời đưa ra giả thuyết: có lẽ màu lông đen được kích hoạt ngẫu nhiên ở tất cả các tế bào trên một bên mặt của nó, trong khi màu vàng cam được kích hoạt ở nửa còn lại, về sau hai “bản vá” này gặp nhau ở đường chính giữa khuôn mặt.

Bên cạnh đó, điều đặc biệt khác là một bên mắt Venus màu xanh da trời mặc dù với những con mèo bình thường khác là xanh lá cây hoặc vàng. Mắt xanh da trời chỉ có thể tìm thấy ở loài mèo Xiêm hoặc mèo lông trắng trong khi Venus đều không thuộc 2 trường hợp này.

Nhìn chung, "Venus vẫn còn là điều bí ẩn ngay cả với các chuyên gia”, Lyons nói thêm. Để chắc chắn, việc xét nghiệm gene là rất cần thiết, chúng ta có thể lấy dấu ADN với các mẫu da từ mỗi bên mặt Venus.

Mèo mù chơi đàn
Một con mèo mù ở Anh khiến nhiều người bất ngờ khi nó biết chơi đàn piano. Các chuyên gia cho rằng, âm thanh từ tiếng đàn giúp nó kết nối với thế giới bên ngoài dễ dàng hơn.


Con mèo Stevie Wonder chơi đàn. (Ảnh: SWNS)

Con mèo Stevie Wonder 6 tuổi. Tên của nó được đặt theo tên ca sĩ và nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng bị mù người Mỹ.

Metro cho biết, con mèo Stevie Wonder tìm thấy trong khu vườn ở Bedford, trong tình trạng hai mắt bị mù và cơ thể bị nhiễm khuẩn. Sau đó, nó được các nhân viên tại Trung tâm phúc lợi động vật Wood Green ở Cambridgeshire chăm sóc. Tại đây, họ ngạc nhiên khi nhận thấy nó rất thích chơi đàn piano.

Beverley Street, Phó giám đốc tại trung tâm cho rằng, con mèo cảm thấy được an ủi khi nghe âm thanh của piano.

Con mèo đứng lên bàn phím và lắng nghe âm thanh. (Ảnh: SWNS)

"Bạn sẽ không nghĩ Stevie bị mù. Nó dường như thưởng thức được âm thanh piano và thường nhảy lên lòng tôi mỗi khi tôi chơi đàn. Các giác quan của nó rất nhạy bén", Beverley Street nói.

Cứu mèo rừng quý hiếm khỏi quán cơm bình dân
Một cá thể mèo rừng quý hiếm vừa được Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang giải cứu thành công.

Ngày 10/5/2012, qua đường dây nóng miễn phí bảo vệ Động vật hoang dã, ENV nhận được thông tin về trường hợp một cá thể mèo rừng đang bị nuôi nhốt tại quán cơm bình dân thuộc khu 4, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ngay lập tức, ENV đã chuyển thông tin này cho Hạt Kiểm lâm Hoàng Su Phì phối hợp xác minh làm rõ.


Cá thể mèo rừng quý hiếm vừa được giải cứu ở Hà Giang (Aenh ENV)

Tối ngày 10/5, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra quán cơm nói trên và phát hiện cá thể mèo rừng đã được bán cho một đối tượng khác ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ngay sau đó, cơ quan chức năng của hai huyện Hoàng Su Phì và Bắc Quang đã cùng phối hợp truy đuổi đối tượng mua bán động vật hoang dã quý hiếm trái phép này.

Tuy nhiên, đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát và cơ quan chức năng đã tịch thu cá thể mèo rừng. “Hiện cá thể mèo rừng đang được Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Quang chăm sóc và dự kiến sẽ được thả về Vườn quốc gia Cúc Phương đầu tuần sau”, bà Linh nói.

Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, là nhóm các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.

Trước đó, ngày 2/5, ENV phối hợp với Hạt kiểm lâm TP. Nha Trang (Khánh Hòa) chuyển một cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) nặng 0,8kg do người dân tự nguyện chuyển giao đến Khu du lịch Sông Lô để chăm sóc sức khỏe trước khi thả về tự nhiên.

Mới đây nhất, ngày 7/5, ENV phối với Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận một cá thể chồn bạc má (Melogale moschata) do người dân tự nguyện chuyển giao và đưa về Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi an toàn.


Đôi mèo đột biến 54 ngón chân


Hai chú mèo Fred và Ned bốn tháng tuổi sống trong Trung tâm bảo trợ mèo tại Gosport, Hampshire (Anh) đã trở nên nổi tiếng nhờ 54 ngón chân trên 8 bàn chân .

Fred và Ned đã mắc phải chứng thừa ngón. Thông thường, một con mèo có 18 ngón chân (4 ngón trên 2 bàn chân sau và 5 ngón trên 2 bàn chân trước), thì Fred có tận 28 ngón và Ned có 26 ngón.


Fred (trái) và Ned (phải) hiện đang được chăm sóc trong
Trung tâm bảo trợ mèo tại Gosport, Hampshire (Anh)

Kate Stapleford - nhân viên tại Trung tâm bảo trợ mèo cho biết: “Khi được đưa tới trung tâm, sức khỏe của hai chú mèo Fred và Ned ở trong tình trạng rất xấu, tuy nhiên nhờ sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ thú y, sức khỏe của Fred và Ned đang tiến triển rất tốt.

Chúng có thể chơi và nắm các loại đồ chơi như những con mèo bình thường song khả năng leo trèo lại khá kém”.



Điều đặc biệt là trong 40 năm làm việc tại các trung tâm thú y, ông Kate Stapleford chưa bao giờ được chứng kiến 2 chú mèo đặc biệt như vậy. Trong khi Fred bị thừa ngón ở đôi bàn chân sau thì Ned lại thừa ngón ở 2 bàn chân trước.

Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì bề ngoài của hai chú mèo Fred và Ned không khác mấy so với những con mèo phát triển bình thường khác.

Chứng thừa ngón phát triển là do đột biến gene và không hề ảnh hưởng tới sức khỏe của các loài động vật. Đối với loài mèo, có những con chỉ bị thừa ngón trên 1 bàn chân, tuy nhiên có những con bị thừa từ 2 – 3 ngón trên mỗi bàn chân.




Cận cảnh bàn chân thừa nhón của 2 chú mèo

Nếu những con mèo mắc chứng thừa ngón sinh con, thì khả năng con của chúng bị di truyền bệnh là khá cao.